Những địa điểm nên tới ở bán đảo Sơn Trà
Thời điểm thích hợp để du lịch ở nơi này là vào khoảng thời gian từ tháng 3 – tháng 9. Lúc này thời tiết có nắng đẹp, khô ráo, ít khi có bão. Nếu đi vào mùa đông sẽ hay có sương mù, rất khó khăn và không có sự an toàn khi di chuyển.
Chùa Linh Ứng
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 18 km, chùa Linh Ứng tọa lạc trên Bãi Bụt của bán đảo Sơn Trà. Đây là điểm dừng chân nổi tiếng và lí tưởng bởi những công trình kiến trúc hoành tráng, tinh xảo hơn thế nữa đứng từ chùa Linh Ứng nhìn xuống bạn có thể chiêm ngưỡng cả một vùng trời biển rộng lớn của thành phố Đà Nẵng. Mặt biển xanh trong, phẳng lì, lấp lánh dưới ánh nắng miền Trung; xa xa là thành phố Đà Nẵng với những mái nhà nối nhau san sát vẽ nên một bức tranh về thành phố đáng sống nhất một cách thật chi tiết và đầy màu sắc.
Chùa Linh Ứng là một quần thể rộng lớn bao gồm cả nhà tổ, tăng đường, thư viện, chánh điện, giảng đường,.. Kiến trúc của ngôi chùa là sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại với những mái nhà lát gạch xanh uốn cong mềm mại ở các đầu như những con rồng đang uốn lượn, uy nghiêm, trang trọng nhưng không thiếu sự nhẹ nhàng, tiên cảnh; những cột trụ vững chắc được đẽo gọt, cắt tỉa thành những hoa văn tinh xảo, nhiều đường nét đa dạng. Một điểm đáng nhớ hơn cả khi đến thăm quan chùa Linh Ứng đó chính là tượng đài Phật Quan Thế Âm lớn nhất Việt Nam với độ cao lên tới 67m. Tượng Phật Quan Thế Âm lưng tựa vào núi, đôi mắt hướng ra biển khơi rộng lớn, tay ban phát bình an và hạnh phúc cho con dân.
Các nhiếp ảnh gia mong muốn có một bức ảnh toàn cảnh đẹp đẽ nhất về Đà Nẵng thì hãy chọn chùa Linh Ứng làm địa điểm dựng máy. Từ trên cao nhìn xuống, ta thấy non nước Đà Nẵng như hòa vào làm một, hữu tình, nhẹ nhàng với mặt nước xanh và những đám mây trắng trong trôi lờ lững. Phóng ống kính ra xa hơn chút nữa và có ngay hình ảnh thành phố Đà Nẵng trong bức ảnh của bạn. Buổi tối, khi hoàng hôn buông xuống trên mặt biển, khi ánh đèn từ thành phố sáng lên thành những vệt dài, bức ảnh về Đà Nẵng lại càng thêm đẹp hơn bao giờ hết.
Đỉnh bàn cờ
Nếu bức ảnh toàn cảnh chụp ở chùa Linh Ứng chưa đủ thỏa mãn bàn thì bạn hãy tiếp tục xách máy tới với đỉnh Bàn Cờ, nơi hiện hữu một ván cờ dang dở từ xa xưa và chưa thể kết thúc.
Một điều tạo nên kỉ niệm đẹp trong hành trình lên tới đỉnh Bàn Cờ là những con đường núi quanh co, uốn khúc. Chạy xe men theo đường núi có lúc mở ra trước mắt ta là bãi biển xanh như ngọc, nhẹ nhàng, rộng lớn, chảy trôi lững lờ; lại có lúc mặt biển to lớn kia lại khuất lấp sau những rặng cây rừng xanh lá, để phủ kín tầm mắt của bạn là cái tươi tắn, mát mẻ, sinh động của những khu rừng rợp bóng cây. Chinh phục hết đoạn đường đầy cảm xúc ấy là có thể “tạm” coi như là đã đặt chân đến đỉnh Bàn Cờ.
Nói là “tạm” bởi lẽ để đến với đỉnh Bàn Cờ bán đảo Sơn Trà, bạn còn phải trải qua một thử thách khi leo lên những bậc thang dài và dốc. Có gian nan, mệt mỏi như thế mới có được cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt vời của Đà Nẵng.
Sở dĩ đỉnh núi mang tên gọi là đỉnh Bàn Cờ là do ở đây đặt bức tượng tiên ông ngồi đánh cờ vô cùng thú vị. Theo truyền thuyết, có hai vị tiên ông ngồi đánh cờ ở đây nhưng không phân thắng bại. Một hôm do bị sao lãng bởi hình ảnh cô tiên nữ xuống hạ giới tắm mà một vị tiên ông đã thua trong ván cờ này. Tức quá, tiên ông đập bàn cờ và bay về trời. Đó chính là lí do tại sao ở đỉnh Bàn Cờ có tượng một vị tiên ông đang trầm ngâm ngồi bên bàn cờ của mình.
Quay trở lại với bức ảnh toàn cảnh mà chúng ta đang nói đến, Đà Nẵng trong bức ảnh chụp từ đỉnh Bàn Cờ mang nhiều hình ảnh của thành phố Đà Nẵng hơn. Những mái nhà san sát chạy dọc trên bờ biển dài uốn thành hình vòng cung vẽ nên cái nhộn nhịp tập nập của một thành phố lớn, nhiều màu sắc.
Cây đa ngàn năm
Ngay từ tên gọi đã khiến bạn có những hình dung sơ bộ nhất về địa điểm này rồi phải không nào? Ngay trên tuyến đường đi tới đỉnh Bàn Cờ có một lối rẽ khác để đi tới nơi trú ngụ của cây đa nhiều tuổi này. Được phát hiện vào năm 1771 và được các nhà khoa học xác định tuổi thọ khoảng 800 năm vào năm 2014, cây đa ở phía rìa Đông Sơn Trà được đánh giá là cây có hình thể lớn nhất Việt Nam với chu vi thân là 10m, gồm 26 rễ phụ và mỗi rễ cao 25m.
Với độ cao đáng kinh ngạc của mình, cây đa nghìn năm xòe rộng những tán lá khổng lộ che chắc một vùng rừng núi rộng lớn, tạo nên những vùng bóng râm che nắng, che mưa và là nơi nghỉ chân của nhiều khách du lịch. Ban ngày khi những ánh nắng vàng tươi xuyên qua những kẽ lá làm nên những vạt màu lốm đốm trên mặt đất vô cùng đẹp mắt. Rất nhiều cặp đôi cũng chọn đây là địa điểm chụp ảnh cưới lí tưởng bởi khung cảnh hùng vĩ và tráng lệ của nơi đây.
Trạm Rada 29 – Mắt thần Đông Dương
Mắt thần Đông Dương là tên gọi của trạm Rada kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm trên bán đảo Sơn Trà, bao trùm toàn bộ vịnh Bắc Bộ, không phận của Lào và Campuchia. Chính vì địa thể nằm ở độ cao 621m so với mực nước biển và khả năng bao trùm của rada đã khiến nó được ví như một con mắt lớn với bán kính quan sát lên tới hàng trăm km.
Những “con mắt” này được bọc bên ngoài bởi chất liệu composit và được sơn màu trắng. Với độ cao như vậy, trạm Rada được mây trắng bao phủ lững lờ như những người lính canh giữ vùng trời biển Đông. Thật tuyệt vời nếu như có thể được đứng từ phòng quan sát của Rada, phóng tầm mắt ra biển khơi rộng lớn để chiêm ngưỡng mặt trời từ từ hạ xuống tạo nên một vùng sáng đẹp đẽ.
|