Theo điều tra mới nhất ở TP HCM, 91% bàn ghế trong các trường được đóng sai quy cách. Điều này giải thích tại sao tình trạng vẹo cột sống lại phổ biến ở học sinh. Trong 4.100 học sinh phổ thông được kiểm tra sức khoẻ ở quận Tân Bình, 53% bị vẹo cột sống.
Bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh, trưởng đoàn phúc tra liên ngành y tế - giáo dục về y tế học đường tại TP HCM, cho biết, bàn ghế sai quy cách là vấn đề nan giải nhất của chương trình Cải thiện vệ sinh phòng học. Năm nào đoàn cũng phúc tra, nhắc nhở các trường chấn chỉnh nhưng kết quả vẫn chỉ là “chuyển biến rất chậm”.
Số liệu phúc tra mới nhất về thực hiện công tác y tế học đường tại TP HCM năm học 2003-2004 đã minh chứng cho nhận xét trên: 91% bàn ghế trong các trường được phúc tra đóng sai quy cách. Mặc dù con số này chưa phản ánh toàn diện tất cả các trường học trong thành phố vì đoàn chỉ phúc tra ngẫu nhiên 2 trường trong mỗi quận, huyện nhưng theo bác sĩ Ánh, các trường học trong toàn thành phố có ít nhất 50% bàn ghế đóng sai quy cách. Đó là loại bàn ghế đóng liền nhau, ghế ngồi không có chỗ tựa lưng, hiệu số chiều cao giữa bàn và ghế không phù hợp với lứa tuổi.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là ban quản lý dự án cứ tự ý làm, ban y tế học đường của quận huyện không tham mưu hoặc có tham mưu nhưng không được tiếp nhận. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng bàn ghế liền nhau có thể ngả ra thành bàn ăn, tiện lợi cho các trường bán trú. Nó lại khó xê dịch nên không gây ồn trong lớp học, cũng khó mất trộm. Một số trưởng phòng Giáo dục Đào tạo ở huyện Hóc Môn, Cần Giờ... nói rằng cũng biết bàn dính ghế là sai quy cách nhưng hiệu trưởng yêu cầu nhận loại này cho dễ bảo quản nên vẫn cho đóng.
Tại Trường Tiểu học Phú Thọ, quận 11, có tới 20/34 phòng học được trang bị loại bàn ghế đa năng- bàn dính liền với ghế, mặt bàn ngả ra làm chỗ nằm cho học sinh bán trú. Tại trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3, hàng loạt bàn ghế cả cũ và mới được bổ sung đều sai quy cách. Hiệu trưởng trường N. quận 3 nói: “Chúng tôi biết bàn dính ghế là sai nhưng không được phép tham mưu vào chính công trình mình thụ hưởng; hơn nữa đó là của xin nên khó nói lắm”.
Về phía nhà sản xuất, ông Nguyễn Văn Phấn, cán bộ quản lý Công ty Sách - Thiết bị trường học TP HCM cho biết: “Gần đây, chúng tôi mới được khuyến cáo không nên làm bàn ghế dính liền nhau, nhưng đó mới là khuyến cáo, còn chúng tôi phải làm theo đơn đặt hàng”. Ông Lê Đức Kế, Phó giám đốc công ty, khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể nên không biết thế nào là đúng. Theo văn bản của Bộ Y tế thì bàn dính ghế là sai nhưng Bộ Giáo dục Đào tạo chưa quy định điều đó. Rất nhiều khách hàng yêu cầu chúng tôi đóng bàn dính ghế nên không thể từ chối”. Nhiều đơn vị chuyên cung cấp bàn ghế cho trường học cũng đóng kiểu bàn ghế tương tự.
Theo bác sĩ Nguyệt Ánh, bàn ghế đóng không đúng kiểu, chiều cao không phù hợp với tầm vóc học sinh là nguyên nhân chủ yếu gây vẹo cột sống học đường. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường cho thấy, năm 2000 có 30% học sinh tiểu học bị vẹo cột sống.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (năm 2000) và các nhà chuyên môn về vệ sinh học đường, việc đóng mới bàn ghế cho học sinh phải tuân theo 5 yêu cầu cơ bản sau:
- Bàn, ghế phải rời nhau, ghế phải có thành tựa lưng.
- Kích thước bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc học sinh, cụ thể: chiều cao bàn = 42%, chiều cao ghế = 26% chiều cao thân thể. Thành tựa ghế hơi ngả về sau một góc 5- 0 độ so với đường thẳng đứng; chiều rộng ghế = 2/3-3/4 chiều dài đùi. Chiều ngang tối thiểu của bàn cho một chỗ ngồi là 0,4- 0,5 m.
- Thuận tiện khi học sinh đứng lên, ngồi xuống, lúc vào học, ra chơi và khi tan trường.
- Bố trí hợp lý trong một lớp học.
- Đẹp và chắc chắn.