"Phúc" đến từ Tâm của nhà tu hành
Từ nội ô thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ khoảng 50 km về huyện ngoại thành Củ Chi, nằm gần khu Di tích lịch sử - văn hóa Địa đạo, có một không gian yên tĩnh, thoáng đãng, sạch đẹp. Nổi lên giữa không gian xanh mát rộng gần 2ha ấy là một tòa nhà ba tầng khá khang trang.

Đó là Cơ sở Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam Thiên Phước, nằm trên địa phận ấp 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Con đường nhỏ dẫn về địa chỉ nhân đạo này hôm nay không còn vắng vẻ như xưa, bởi nó đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người, bằng tiếng thơm tỏa lan từ nơi đây.
Trong dòng người đến thăm Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, không ít du khách đã bớt chút thời gian quá bộ đến đây. Họ đến từ nhiều nơi, vì nhiều ý nghĩ khác nhau.
Nhưng tất cả đều có một điểm chung nhất, đó là sự chia sẻ.
Những điều phúc của người đời (và trong chừng mực nào đó là của mệnh trời) sẽ là tia nắng ấm làm bừng lên những nụ xuân vừa sinh ra đã mang gánh nặng tật nguyền vì di chứng chất độc da cam/dioxin...

Đứng đầu cơ sở nhân đạo này là Linh mục Phan Khắc Từ. Một người đàn ông khả kính, từ gương mặt, lời nói đến cử chỉ, việc làm... đều toát lên nét nhân hậu, quả quyết.
Ông kể... Việc xây dựng cơ sở này được hình thành từ năm 1999. Một vị Linh mục người Hàn Quốc, sau khi đến Việt Nam, chứng kiến nỗi đau nhân loại do chất độc màu da cam gây nên, đã tự nguyện ủng hộ kinh phí để xây dựng một cơ sở nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam.
Tháng 8 năm 2001, sau khi xây dựng xong nhà cửa, cơ sở tiếp nhận 8 cháu đầu tiên vào nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến năm 2002 tăng lên 22 cháu, năm 2003 có 30 cháu... và đến nay, đã có 108 cuộc đời tật nguyền non trẻ được đón nhận đến đây. Tất cả các cháu đều là trẻ mồ côi.

Gần 40 thầy, cô bảo mẫu và cán bộ, nhân viên trong 2 cơ sở này là những người cha, người mẹ của các cháu, những người đã sinh ra các cháu lần thứ hai.
Và đương nhiên, lần sinh này các cháu được trở về với cuộc sống làm người một cách cao nhất trong những gì có thể. 108 cháu là 108 mảnh đời, 108 số phận.
"Mẹ" của lũ trẻ tật nguyền
Rất khó để có thể kìm dòng nước mắt khi đến với các cháu. Những gương mặt ngây dại, những ánh mắt đờ đẫn, những thân hình oặt oẹo, tong teo... xen lẫn trong những âm thanh ú ớ, man dại, bật lên từ sâu thẳm bản năng làm người. Thương các cháu bao nhiêu, lại cảm phục những thầy, cô bảo mẫu của các cháu bấy nhiêu.

Họ coi các cháu như con. Dẫu không một ngày mang nặng đẻ đau, nhưng nỗi đau thấm vào họ từ những ánh mắt ngây dại mà đáng thương kia, từ những thân hình cong queo, mềm oặt mà chứa đựng đầy khát vọng làm người kia... nào có khác gì cái cảm giác như chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau...
Nâng niu trẻ tật nguyền như con đẻ của mình
Chăm sóc đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền, một cô nuôi dưỡng 3-4 cháu là một công việc vô cùng nan giải. Các cháu đều bị các chứng bệnh như: Bại não, tâm thần, gồng cứng, hội chứng down, não úng thủy, dị tật... một số cháu bị mù lòa, câm điếc, tê liệt, mọi sinh hoạt phải thực hiện một chỗ. Không thất vọng, mặc cảm về hoàn cảnh tật nguyền của các cháu, những người mẹ đảm nhiệm công việc trực tiếp chăm sóc các cháu là các nữ tu và những phụ nữ giàu lòng nhân ái.
Tiếng lành đồn xa, rất nhiều sinh viên người Nhật, Pháp, Úc... được sự giới thiệu của nhiều tổ chức y tế, từ thiện, đã tìm đến đây xin thực tập. Tất cả đều hết lòng vì các cháu. Việc chữa trị bệnh tật, nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu được thực hiện theo qui trình khoa học, với sự hỗ trợ của các phương tiện y học và các biện pháp vật lý trị liệu, châm cứu, tập thể dục dưỡng sinh... để giúp các cháu phục hồi chức năng...

Ước mơ về đôi cánh thần kỳ
Ai cũng biết, khát vọng sống, khát vọng làm người là cao cả, nhưng không phải ai cũng đạt được điều đó, không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Đón các cháu vào cơ sở, các thầy, cô dồn hết tâm lực để chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng có những cháu không thể nào vượt lên được số mệnh.

Hướng về các cháu nạn nhân chất độc màu da cam ở Thiên Phước là hàng trăm tấm lòng nhân ái từ bốn phương trời. Nhưng đó không phải là tất cả. Để chủ động nguồn kinh phí cho hoạt động nuôi dưỡng, điều trị bệnh tật cho các cháu, Thiên Phước đã lập một khu trang trại gần 10 ha tại xã An Phú, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, triển khai chăn nuôi đà điểu và gia súc.
Khu trang trại này không chỉ tạo nguồn thu phục vụ hoạt động mà nó còn là nơi tạo công ăn, việc làm cho những cháu sau khi phục hồi chức năng, có khả năng lao động để hòa nhập cộng đồng.Tại đây, sẽ có trung tâm dạy chữ, dạy nghề và giao lưu quốc tế để hướng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam ra cộng đồng.
nơi sẽ "phúc" cho nạn nhân da cam
TRUNG TÂM THIÊN PHƯỚC
Địa Chỉ: Lô 6 - Xã An Nhơn Tây Huyện Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.
Tel: (08) 8926368